Kinh tế Hẻm núi Sićevo

Nền kinh tế của các làng đông dân trong hẻm núi Sićevo đang trong giai đoạn suy thoái và được đặc trưng bởi sự suy giảm sản phẩm xã hội, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiết bị máy móc lỗi thời, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh thấp. Các hoạt động chính là trồng nho, nông nghiệp truyền thống (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi ong và thu hái dược liệu và lâm sản), trong khi mảng dịch vụ phát triển kém (thương mại, ăn uống, du lịch và vận tải).[57]

Các làng ở hẻm núi Sićevo thuộc đơn vị hành chính của đô thị Bela Palanka (lọt vào 40 đô thị kém phát triển nhất của Serbia) có cùng đặc điểm phát triển với quy mô gần giống như toàn cảnh đô thị này.[58] Tình hình không khá hơn với các làng thuộc đô thị Niš tuy tổng thể thì Niš phát triển hơn. Hầu hết các hoạt động kinh tế chính diễn ra trong nội thành Niš và Bela Palanaka), nên đã thu hút dân cư hẻm núi Sićevo đến làm việc.[7][57]

Đất màu mỡ thích hợp để trồng trọt chủ yếu ở độ cao thấp, dọc theo sông Nišava và lưu vực Ostrovica, có đồng cỏ xen lẫn với rừng. Đất nông nghiệp do đó cũng phân thành các mảnh nhỏ, không thể tận dụng được các máy móc hiện đại nên cho năng suất thấp.[57]

Những cây ăn trái có điều kiện để trồng trong hẻm núi theo truyền thống như nho, mận, táo hay gần đây là các giống mâm xôi được thị trường yêu thích. Tuy nhiên, ngành trồng cây ăn trái vẫn đang trong quá trình phát triển, mở rộng vì hiện tại năng suất vẫn còn thấp.[59]

Sản xuất rượu vang là một nghề có từ hàng thế kỷ, chủ yếu tập trung ở Sićevo (năm 1924 đã có 960.000 gốc nho), Prosek và Ostrovica.[57]

Gần đây, theo quy định bảo tồn dành cho hẻm núi Sićevo, các chế độ nông nghiệp đặc biệt cũng được áp dụng và có tầm quan trọng trong phát triển như: thu hái lâm sản và dược liệu, nông sản hữu cơ và du lịch câu cá, đối với khu bảo tồn tuyệt đối không sử dụng phân bón và chế phẩm hóa học.[57]

Các cây dược liệu quan trọng mọc tại hẻm núi: hoa cúc Matricaria chamomila, hoa ban Hypericum perheadsatum, cỏ xạ hương Thymus serpyllum, vạn diệp Achillea millefolium, sơn tra Crataegus monogyna, cơm cháy Sambucus nigra, bách xù Juniperus communis, tầm xuân Rosa canina và nhiều loại khác. Lâm sản phổ biến nhất là các loại trái cây rừng: việt quất Vaccinium myrtillus, mâm xôi đen Rubus ulmifolius, mâm xôi đỏ Rubus idaeus, dâu rừng Fragaria vesca, sơn tra Crataegus sp., giác mộc Cornus mas, táo dại Malus silvestris, lê rừng Pyrus pyraster, anh đào dại Prunus avium,...[57]

Một diện tích đồng cỏ lớn là lợi thế để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, do hạn chế kỹ thuật canh tác và phân bón hóa học, sản lượng cỏ phục vụ chăn nuôi rất thấp nên gia súc được chăn thả tự do. Do đó, ngành chăn nuôi cũng kém phát triển, chủ yếu tập trung đáp ứng các nhu cầu tại chỗ của dân địa phương. Không có trang trại tập trung lớn nên điều kiện nuôi nhốt gia súc không có không gian và hợp vệ sinh.[7][57]

Trồng nho là nghề nông truyền thống ở hẻm núi Sićevo
Nghề trồng nho (trái) và sản xuất rượu vang (phải) là nghề nông truyền thống ở hẻm núi Sićevo

Tiềm năng thủy điện của dòng Nišava ở hẻm núi Sićevo được khai thác bằng cách xây dựng hai nhà máy thủy điện cỡ nhỏ ở Ostrovica (Sveta Petka) và Sićevo (Sićevo).[60]

Giáo sư Djordje Stanojevic, trong tác phẩm "Công nghiệp điện ở Serbia" từ năm 1900, đã viết:
"Sau Morava sẽ đến lượt Nišava phát điện từ hẻm núi Sićevo và truyền tải đến Niš."[61]
Phải mất gần 10 năm để ý tưởng này trở thành hiện thực.
Hình: Thủy điện cỡ nhỏ Sićevo

Nhà máy thủy điện đầu tiên Sveta Petka có công suất 0,60 MW đi vào vận hành từ 21 tháng 9 năm 1908, đã làm việc không ngừng hơn một trăm năm. Dân làng Sićevo và ngài Todor Milovanović, thị trưởng Niš về sau, chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy thủy điện Sveta Petka. Họ thậm chí đã liên lạc nhà bác học Nikola Tesla làm kỹ sư thiết kế cho công trình này. Sveta Petka chỉ sau nhà máy thủy điện đầu tiên trên sông NiagaraHoa Kỳ có 13 năm. Niš nhờ đó mà lần đầu tiên có ánh sáng đèn điện. Giáo sư Aćim Stevović trường Đại học Khoa học kỹ thuật Beograd đã thiết kế đập nước, kênh dẫn nước và tòa nhà kỹ thuật, còn thiết bị lắp đặt được mua trọn bộ từ Đức và vẫn hoạt động cho đến ngày nay. Điện truyền đến Niš thông qua đường dây 8 kV dài 25 km.[62]

Thông số kỹ thuật
Sveta PetkaSićevo
Lưu lượng cài đặt10,50 m3/s20 m3/s
Công suất cài đặt0,60 MW1,35 MW
Tua-bin
  • 3 tua-bin Francis do Ј. M. Voith Heidenheim sản xuất (1931, 1938)
Máy phát
  • 2 máy phát điện xoay chiều 3 pha công suất 200 kW do Siemens-Schuckert Werke Wien sản xuất (1908)
  • 1 máy phát điện xoay chiều 1 pha công suất 200 kW do Siemens-Schuckert (1927)
  • 2 máy phát điện xoay chiều 3 pha công suất 352 kW do Siemens-Schuckert Werke Wien sản xuất (1931)
  • 1 máy phát điện xoay chiều 1 pha công suất 644 kW do Brоwn, Boveri & Co. Mannheim sản xuất (1938)
Sản lượng hàng năm3,10 GWh3,70 GWh

Nhà máy thủy điện nhỏ thứ hai Sićevo được xây dựng gần cuối là phần dốc của hẻm núi, ngay dưới chân làng Sićevo. Từ nhà máy thủy điện Sveta Petka đi khoảng 6 km về phía hạ lưu là gặp đập nước của nhà máy thủy điện Sićevo. Nhà máy có công suất 1,35 MW là sự tiếp nối dựa trên nhu cầu lượng điện tiêu thụ của đô thị Niš sau khi Sveta Petka đi vào hoạt động. Dự án bắt đầu vào tháng 5 năm 1921, kỹ sư Dekler từ Viên được thuê đến để đo đạc địa hình và thu thập dữ liệu cần thiết cho Siemens-Schuckert thực hiện. Khởi công xây dựng vào ngày 8 tháng 10 năm 1928. Khi sắp hoàn thành thì trận lũ lớn mùa hè năm 1929 quét qua làm hỏng một phần công trình và cuốn hết nguyên vật liệu xây dựng. Năm 1930, một thảm họa tương tự lại xảy đến tiếp tục kéo dài thời gian thi công và tăng chi phí công trình. Năm 1931, cuối cùng nhà máy thủy điện Sićevo cũng được đưa vào thử nghiệm và chính thức hoạt động từ tháng 12 sau 2 năm chậm tiến độ, tổng là 9 năm từ khi mua thiết bị đầu tiên. Ngày nay, nhà máy thủy điện Sićevo vẫn hoạt động tốt, là một phần không thể thiếu của ngành Điện lực Serbia.[63]

Cơ sở hạ tầng nhà máy thủy điện Sićevo trong hẻm núi
Đập nước trên sông Nisava (trái) bên dưới làng Sicevo (có kênh thoát nước dài 2 km) là ranh giới giữa đoạn thứ nhất (Kusaca) và đoạn thứ hai của hẻm núi, cung cấp nước cho nhà máy điện Sićevo (phải)

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hẻm núi Sićevo http://www.archeolog-home.com/pages/content/mala-b... http://vukovblog.blogspot.com/2008/02/rat-struja-i... http://wheretoserbia.com/nis-and-around/sicevo-gor... http://www.spc-altena.de/latein/ebene02/eb8_hs8_us... http://www.discoverserbia.org/sr/jugoistocna-srbij... http://www.liman-h2o.org/wp-content/uploads/2012/0... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.gef.bg.ac.rs/img/upload/files/Rad%204.p... http://www.arhivnis.co.rs/cirilica/idelatnost/br%2... http://www.eps.rs/test/malei.pdf